Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh cụ thể hiệu quả của việc nhịn ăn chữa bệnh nhưng không ít người bệnh vẫn tin vào phương pháp này và áp dụng. Nhất là những người đang mắc bệnh mạn tính hoặc bệnh nan y, gặp khó khăn trong quá trình điều trị. Điều này gây nên những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Nhịn ăn chữa bệnh là gì?
Hiện nay, khá nhiều người mắc bệnh ung thư quan tâm đến phương pháp chữa bệnh bằng cách nhịn ăn. Thực tế, không bác sĩ nào khuyến khích người bệnh áp dụng kiểu chữa bệnh này.
Cơ sở lý thuyết của việc nhịn ăn chữa bệnh được nhiều người truyền tai nhau là trong quá trình nhịn ăn, khối u hay mầm mống gây bệnh sẽ dần bị cô lập và tiêu hao do cơ thể không còn dinh dưỡng để nuôi những khối u và mầm bệnh này. Nhưng đây là một quan niệm sai khoa học. Đôi khi, người bệnh sẽ bị suy kiệt trước khi có thể khỏi bệnh.
Hơn nữa, không phải ai cũng đủ khả năng duy trì nhịn ăn thường xuyên. Vì ở một số phương pháp, người bệnh cần phải nhịn ăn từ 7 đến 8 ngày theo quy trình nghiêm ngặt và nếu không được giám sát bởi chuyên gia thì có thể đe dọa đến tính mạng.
2. Nhịn ăn có thực sự chữa được bệnh không?
2.1. Nhịn ăn chữa bệnh - quan niệm phản khoa học
Theo chia sẻ chuyên gia, nhịn ăn hay không tiêu thụ protein để tiêu diệt khối u là cách chữa bệnh phản khoa học, tiềm ẩn nhiều mối nguy cho người bệnh. Thế nhưng, không ít người vẫn tin tưởng áp dụng cách chữa bệnh này.
Thực tế, dù nhịn đói thì tế bào gây bệnh vẫn phát triển chứ không hề bị cô lập như phần đông mọi người vẫn lầm tưởng. Thậm chí, khi bị thiếu hụt dinh dưỡng, tế bào gây bệnh còn hoạt động mạnh hơn, bởi lúc này sức đề kháng của cơ thể đã suy giảm, khó chống chọi lại với bệnh tật.
Tế bào gây bệnh hay tế bào ung có bị kìm hãm hay không phụ thuộc rất lớn vào sức đề kháng của cơ thể. Nếu người bệnh duy trì sức đề kháng tốt, tế bào gây bệnh đương nhiên không thể phát triển nhanh. Còn nếu sức đề kháng suy giảm, bệnh sẽ tiến triển nhanh. Như vậy, việc bỏ đói cơ thể gần như không mang lại hiệu quả chữa bệnh mà còn phản tác dụng.
Mặt khác, phần lớn bệnh nhân mắc ung thư khi phát hiện bệnh đều đã bắt đầu có dấu hiệu suy dinh dưỡng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Nếu tiếp tục nhịn ăn, người bệnh dễ bị suy kiệt, không đáp ứng điều trị.
Ở người bình thường, năng lượng tiêu thụ mỗi ngày dao động từ 25 đến 30 kcal/kg cân nặng, lượng protein cần tiêu thụ vào khoảng 0.8g/kg. Tuy nhiên, mức năng lượng cần tiêu thụ ở người bệnh mắc ung thư cần phải cao hơn, cụ thể là từ 35 đến 50 kcal/kg, lượng protein tương ứng 1.5 đến 2g/kg.
Dễ thấy rằng nhu cầu về dinh dưỡng ở người bệnh luôn lớn hơn người khỏe mạnh. Vì vậy nếu đang trong giai đoạn trị bệnh, bạn tuyệt đối không nên nhịn ăn theo những phương pháp truyền miệng, không có căn cứ khoa học.
2.2. Nhịn ăn chỉ hỗ trợ giảm béo
Theo các chuyên gia, nhịn ăn đúng cách có thể giúp thanh lọc, cân bằng môi trường trong cơ thể, cải thiện chức năng tuần hoàn và hô hấp. Bởi khi đó sinh lực không còn dồn mạnh vào hoạt động tiêu hóa. Từ đó, tạo điều kiện để hệ thống tạng phủ, các cơ quan bị tổn thương phục hồi.
Khi hệ thần kinh trong trạng thái thư giãn, hệ cơ bắp cũng thả lỏng hơn, cơ quan nội tạng được giảm gánh nặng. Nói chung, phương pháp nhịn ăn chỉ hỗ trợ giảm cân, phần nào thanh lọc cơ thể chứ không thể chữa trị bệnh nan y và chỉ áp dụng với những người khỏe mạnh.
Việc cô lập tế bào gây bệnh không chỉ dựa vào phương pháp nhịn ăn thông thường. Trường hợp muốn nhịn đói giảm cân, bạn cũng phải tham khảo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, áp dụng theo quy trình cụ thể.
3. Rủi ro tiềm ẩn khi nhịn ăn dài ngày
Chữa bệnh bằng cách nhịn ăn dài ngày tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người bệnh. Bởi cơ thể chỉ có thể hoạt động bình thường khi các hệ cơ quan được cung cấp năng lượng. Khi nhịn ăn dài ngày, nguồn năng lượng trong cơ thể đương nhiên sẽ suy kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động của hàng loạt cơ quan, nhất là não bộ.
Theo đó, não bộ chỉ chiếm 1/40 trọng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, lượng oxy mà nó tiêu thụ đã chiếm 1/4 tổng lượng oxy. Tương ứng với đó lượng máu não bộ cần cung cấp cũng lên đến 1/5 tổng lượng máu mà cơ thể cần cung cấp. Trường hợp bị não bộ bị bỏ đói, hệ thần kinh sẽ rơi vào tình trạng rối loạn, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn cơ thể.
Mặt khác, khi đường huyết trong máu xuống dưới 80mg/dl, cơ thể thường bắt đầu xuất hiện hàng loạt triệu chứng như:
- Mệt mỏi.
- Tứ chi bủn rủn.
- Kém tập trung.
- Huyết áp giảm.
- Nhịp tim rối loạn.
- Cơ thể toát mồ hôi.
- Hôn mê (khi huyết áp giảm sâu).
Để duy trì chỉ số huyết áp ổn định, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu thường xuyên nhịn đói trong thời gian dài, bạn dễ bị suy nhược cơ thể. Nếu đang trong thời gian trị bệnh, bạn sẽ khó đáp ứng phác đồ điều trị.
4. Đối tượng không nên áp dụng phương pháp nhịn ăn chữa bệnh
Nhịn ăn gần như không giúp ích cho việc điều trị bệnh, mà chỉ hỗ trợ phần nào quá trình giảm cân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này. Sau đây là những đối tượng tuyệt đối không nên nhịn ăn để chữa bệnh:
- Người từng mắc chứng rối loạn ăn uống.
- Người mắc tiểu đường type 1.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
- Trẻ em chưa đủ 18 tuổi.
- Người vừa phẫu thuật đang trong thời gian phục hồi.
- Người mắc bệnh ác tính cần điều trị theo phác đồ khoa học.
- Người mắc bệnh cấp tính.